Với những quan chức “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, mối dây gắn liền từ ăn vặt đến tham nhũng, từ tham nhũng đến rửa tiền đã hằn sâu trong tâm não họ.
<>Hai tư thế bước chân vào sòng bạc
Người Mỹ là một dân tộc thực tế và thực dụng. “Chân đất” không hề bị coi là nguồn gốc đáng xấu hổ trong xã hội hợp chủng quốc. Càng có xuất xứ nghèo khổ để từ đó vươn lên giai tầng giàu có trong xã hội, con người càng được xã hội trân trọng và đánh giá cao.
Nhưng “chân đất” lại luôn là nỗi mặc cảm lớn lao của người Việt. Những kẻ mới dợm chân vào sòng bạc, dù rất thực dụng nhưng lại… thiếu thực tế, không đủ can đảm để nói toạc ra rằng cái chân đứng của họ đã bị mất gốc từ đời nào, bất chấp hàng ngày trong tâm khảm họ vẫn ra rả tiếng nói của đồng tiền sau tấm bình phong đức trị.
Đó cũng là sự khác biệt rất lớn giữa hai tư thế bước chân vào sòng bạc của người Mỹ và người Việt. Với Sheldon Adelson, Chủ tịch Las Vegas Sands, một tập đoàn chuyên ngành giải trí và cờ bạc thượng thặng của Hoa Kỳ, đang có ý định đầu tư từ 4 đến 6 tỷ USD vào các dự án xây dựng casino ở Việt Nam, mọi chuyện cần trở nên rõ ràng, rõ ràng đến sòng phẳng.
“Nhiều người sẽ không tin nhưng trên thực tế tôi không bao giờ chơi tại các sòng bài. Tuy vậy, khi khách hàng bước vào một casino, họ sẽ phải chơi với “ai đó”. “Ai đó” ở đây chính là tôi. Vì vậy, tôi sẽ không phản đối nếu ai đó gọi mình là con bạc lớn nhất thế giới”, ông ta bộc bạch trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam.
Nhưng với các quan chức Việt Nam ở những địa phương đang nhiệt thành bày ra những dự án hoành tráng thu hút đầu tư casino, từ nơi “nửa mùa thành thị” như Quảng Ninh hay thậm chí một tỉnh bị xem là còn nguyên “chân đất” như Phú Yên, đã không một ai dám tự nhận rằng một khi đã nung nấu ý tưởng “gầy sòng”, thì bản thân họ cũng sẽ trực tiếp hay gián tiếp biến thành một loại con bạc, hoặc ít ra cũng thấm đẫm máu cờ bạc.
Cũng vào lúc này, Thủ tướng Việt Nam vẫn chưa có quyết định chính thức về chấp thuận cho mở sòng bạc nước ngoài tại các địa phương, dù gần hai mươi năm qua casino đã trở thành một hiện tồn ngay trong lòng dân tộc. Ý kiến gần đây nhất của Thủ tướng về “thuần phong mỹ tục” dường như lại khiến cho những địa phương này khó xử trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực cờ bạc.
Bởi thế, thay cho việc công khai tuyên bố vai trò con bạc của mình, các quan chức Việt Nam lại dùng tới cách thuyết trình mang tính ẩn dụ, với từ ngữ “nhân dân” được tô nặn khá đầy đặn. Dự án casino đã được trang điểm với rất nhiều ý tưởng công ích xã hội như giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân địa phương, qua casino để tận dụng ưu thế mũi nhọn phát triển ngành du lịch và phát triển kinh tế, đồng thời tận dụng casino để tăng thu thuế và do đó tăng thu nhập cho một ngân sách vẫn còn quá eo hẹp của quốc gia.
Bài học lớn nhất thường được đem ra tham khảo gần đây là Singapore đã đi tiên phong, và do đó Việt Nam cần phải làm sao cho “người Việt dùng hàng Việt”, tiền đồng và ngoại tệ không bị thất thoát qua đường biên giới mà chỉ lòng vòng trong lãnh thổ Việt, nằm nguyên trong các sòng bạc… Tóm lại, casino - sự “cứu cánh” - cũng là cơ hội cho người được “đổi đời”…
<>Triết lý móc túi của người Việt
Tính cách thực dụng của những người như chủ tịch Las Vegas Sands đã là tiền đề cho cuộc xâm lược về quân sự trong dĩ vãng, và giờ đây đang trở thành tiền đề cho những cuộc xâm lược về kinh tế. Nhưng ít ra, điều đó cũng được tuyên bố một các thẳng thừng theo đúng phong cách Mỹ - điều mà nhà văn hóa Hữu Ngọc của chúng ta đã dày công nghiên cứu.
Nhưng truyền thống văn hóa của quan chức Việt thì lại dường như trái ngược với các nhà cái Mỹ. Hoàn toàn không có thái độ thẳng thừng về ý đồ chủ yếu, thay vào đó là những vòng tròn mỹ từ và một cách nói khiến những người dân ít am hiểu có thể tin ngay là họ cần phải nhường ngay đất đai đang sinh sống của họ cho dự án casino để làm giàu cho đất nước.
Chỉ có điều, đất nước này lại đã quá giàu, quá đủ giàu đối với những người đã giàu. Nếu chốn nhân gian vẫn còn nhan nhản cảnh “đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”, thì với những quan chức “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, mối dây gắn liền từ ăn vặt đến tham nhũng, từ tham nhũng đến rửa tiền đã hằn sâu trong tâm não họ.
Ở Việt Nam, truyền thống người giàu làm giàu từ người nghèo đã trở nên một thứ “văn hóa bản địa” đặc sắc đến nỗi đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hố phân cách thu nhập xã hội thuộc loại lớn nhất thế giới, và không biết vô tình hay hữu ý, mức độ tham nhũng cũng thuộc loại trầm trọng nhất thế giới.
Ngược lại, “con bạc lớn nhất thế giới” Sheldon Adelson lại tuyên bố thẳng thừng khi đặt chân vào Việt Nam: “Dù là xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp hay bản thân casino thì đối tượng mà chúng tôi nhắm tới là doanh nhân và du khách sang trọng. Chúng tôi không muốn kiếm tiền từ người nghèo”.
Một cách nói như vậy - rõ ràng và sòng phẳng, dù có thể bị xem là móng vuốt của chủ nghĩa thực dân mới về kinh tế, nhưng vẫn có thể dễ được chấp nhận hơn là thói quen thuyết giáo về những giá trị đạo đức trong khi lại sẵn sàng luồn tay móc túi đồng loại.
<>Cứ để casino tái điều tiết thu nhập!
Đã đến nước này, khi bầu không khí mập mờ của các sòng bạc đã tồn tại suốt 17 năm qua mà không cần bất cứ một khung pháp lý chính thức nào, người dân có thể hiểu rằng mọi cố gắng nhằm ngăn cản cái hậu quả “ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục” là không còn cần thiết, mà trong thực tế đang trở nên vô nghĩa.
Và cũng đến nước này, triết lý khả dĩ nhất lại có thể là casino, với đầy đủ tính cách dữ dằn và dã man của nó, biết đâu sẽ lại là một nhân tố tích cực giúp tái điều tiết thu nhập trong trào lưu hội nhập quốc tế. Nếu quan điểm của chủ tịch Las Vegas Sands về “chúng tôi không kiếm tiền của người nghèo” là chân thành (người viết bài cũng tin là ông ta đã hết sức chân thành khi nói ra điều này), thì cứ để những người giàu bóc lột và móc túi lẫn nhau, cứ để người giàu Việt Nam nghiễm nhiên tham dự vào “trò chơi có thưởng” như một thói quen xài tiền và rửa tiền, còn người giàu ngoại quốc sẽ chia sẻ túi tiền của người giàu trong nước.
Nhờ vậy, hố phân cách thu nhập giữa các giai cấp ở Việt Nam sẽ còn có cơ may để mờ nhạt hơn, xã hội vì thế cũng có vẻ sẽ đỡ bất công hơn, dù toàn bộ cái công bằng như thế lại được kiến tạo từ động lực bài bạc chứ chẳng phải do bất kỳ giá trị đạo đức nào.
Nhận xét
Đăng nhận xét