Tỷ phú casino nhưng không thích đánh bạc


Khi đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư 2 khu nghỉ dưỡng phức hợp (có casino) tại Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands - tỷ phú Sheldon Adelson không có câu trả lời nào biện hộ cho những tác hại của nạn cờ bạc khi trao đổi với các nhà báo.

Chưa hết, tỷ phú này còn cho biết mình không thích đánh bạc dù là ông trùm của hệ thống casino lớn nhất nước Mỹ cũng như Macau (2 trung tâm cờ bạc của thế giới). Tuy nhiên, Sheldon Adelson nói: "Trên thực tế, tôi là con bạc lớn nhất thế giới, bởi khi những người chơi vào trong sòng bài, họ sẽ phải chơi với một ai đó. Và 'ai đó' chính là tôi".

Khi phát biểu với công chúng, trả lời phỏng vấn, nhiều người có cảm giác "con bạc lớn nhất thế giới" mới ở tuổi 50 bởi sự mạnh mẽ, thẳng thắn và quyết đoán. Trên thực tế, ông chủ Las Vegas Sands đã gần 80 tuổi và không thể đứng lâu để trả lời hay nói chuyện mà phải ngồi và đi lại cần có người nâng đỡ.

Ở cái tuổi mà hầu hết các tỷ phú thế giới đã nghỉ hưu và lui vào hậu trường, "vua" casino nước Mỹ vẫn muốn mở rộng vương quốc của mình tới những miền đất mới. Trong số 3 thị trường tiềm năng mà Tập đoàn Las Vegas Sands muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp (có casino), Việt Nam cũng nằm trong danh sách, bên cạnh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Khi ngồi trông Sheldon Adelson mạnh mẽ như người đàn ông 50 tuổi nhưng thực tế ông đã gần 80

Dù chưa nhận được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, tỷ phú casino nước Mỹ đã dự kiến cho một khu phức hợp hình 2 cánh buồm đang giương căng gió tại TP. HCM với số vốn đầu tư tối đa có thể lên tới 4 tỷ USD. Tập đoàn Las Vegas Sands có thể đầu tư 2 khu nghỉ dưỡng phức hợp (có casino) tại Hà Nội và TP.HCM với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Nếu được phép, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới mà Las Vegas Sands xây dựng tới 2 khu phức hợp.

Trước đây, trong lĩnh vực kinh doanh sòng bài, ông chủ Las Vegas Sands từng làm nên những cuộc "lội ngược dòng" tại Mỹ và Macau. Chuyển sang kinh doanh casino từ hoạt động tổ chức hội nghị, không ai nghĩ Sheldon Adelson sẽ thành công, lúc đó người đàn ông này đã 50 tuổi.

Bán công ty chuyên tổ chức triển lãm hội chợ máy tính Comdex cho tập đoàn Softbank của Nhật với giá 860 triệu USD, Sheldon Adelson xây dựng tổ hợp khách sạn casino The Sands năm 1984. Nhảy vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, người đàn ông này nhận được lời đe dọa của Steven Wynn - ông vua casino nước Mỹ lúc bấy giờ: "Sẽ bóp chết các dự án của Sheldon Adelson".

Năm 1991, sau chuyến trăng mật với người vợ thứ hai tại Italy, ông quyết định đập bỏ The Sands và xây dựng tổ hợp khách sạn casino Venetian Las Vegas, trị giá 1,5 tỉ USD. Tại đây có hơn 4.000 phòng khách sạn, 12 nhà hàng sang trọng và một khu phố mua sắm cao cấp, hơn 400 mét kênh đào nhân tạo chạy quanh khu tổ hợp với kiến trúc mô phỏng thành Venice lãng mạn.

Tổ hợp này trở thành chốn ăn chơi, giải trí hoành tráng nhất thủ đô cờ bạc Las Vegas, nhanh chóng giúp Sheldon Adelson thu hàng tỷ USD mỗi năm và giúp ông qua mặt Steven Wynn - vua casino nước Mỹ. Venetian Las Vegas cũng trở thành tổ hợp khách sạn lớn nhất thế giới.

Hơn 70 tuổi, tỷ phú Las Vegas Sands quyết định tấn công vào thị trường cờ bạc châu Á mà điểm khởi đầu là Macau - kinh đô của casino. Ông vua sòng bài nước Mỹ tới đây, dốc hơn 2,4 tỷ USD để biến một khu đầm lầy thành khu phức hợp với sòng bạc lớn nhất thế giới - Venetian Macau. Việc khai trương Venetian Macau cũng là một lời tuyên chiến của Sheldon Adelson với Stanley Ho - vua casino Macau.

Chỉ sau vài năm, Sheldon Adelson tiếp tục đầu tư 5,5 tỷ USD để xây dựng khu phức hợp sòng bài khổng lồ hình chiếc thuyền ở trên cao - Marina Bay Sands tại Singapore. Khu nghỉ dưỡng sòng bài này góp phần quan trọng đưa lượng du khách giàu có tới Singapore tăng 41% trong vòng 24 tháng.

Marina Bay Sands - tòa nhà hình chiếc thuyền ở trên cao tại Singapore

Tiếp đó, tỷ phú này đổ thêm hơn 5 tỷ USD vào Macau để xây đựng khu phức hợp nghỉ dưỡng mới Sands Cotai Central cùng một sòng bạc khổng lồ bên trong, được khai trương đầu năm 2012. Quần thể này kết hợp với Venetian Macau tạo ra thành phố nghỉ dưỡng lớn nhất thế giới. Đế chế casino mới của Sheldon Adelson đã đe dọa vị trí của "ông vua" Macau Stanley Ho bởi sự hoành tráng của sòng bài và các khu giải trí mà "người cũ" không có được.

Những năm đầu thế kỷ 21, Sheldon Adelson nổi tiếng với biệt danh "Vua sòng bài" thế giới. Năm 2006, ông vươn lên vị trí người giàu thứ ba trên thế giới, với gia sản 26 tỉ USD. Vào thời điểm hoàng kim, mỗi ngày, "vua sòng bạc" thu về 23,6 triệu USD lợi nhuận, gần 1 triệu USD mỗi giờ nhờ hệ thống casino sang trọng trải từ Las Vegas (Nevada, Mỹ) đến Macau (châu Á). Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, tài sản cổ phiếu của ông sụt giá nhanh chóng sau đó và giờ tài sản của Sheldon Adelson vào khoảng 21 tỷ USD theo thống kê của Forbes

Trong vài năm gần đây, dù khủng hoảng tài chính đang hoành hành trên toàn cầu, ông vua casino nước Mỹ vẫn tiếp tục hành trình mở rộng vương quốc của mình với việc tìm kiếm cơ hội mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Khi tới Việt Nam, trở ngại của Sheldon Adelson không chỉ dừng ở việc cấp phép khu nghỉ dưỡng có casino mà còn ở quy định cấm người Việt không được vào sòng bài. Chia sẻ về quy định này, "con bạc lớn nhất thế giới" nói: "Singapore, quốc đảo luôn nằm trong danh sách những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, cũng từng cấm đánh bạc. Nhưng Chính phủ Singapore đã thay đổi vì họ hiểu đây là một yếu tố cần thiết để bổ trợ cho các hợp phần khác của khu phức hợp nghỉ dưỡng - vốn không tạo ra lợi nhuận". Ông cũng băn khoăn: "Nếu người Việt Nam nghĩ vào sòng bài là xấu, vậy vì sao họ lại thấy chơi xổ số là hết sức bình thường và hợp pháp?".


Nhà đầu tư casino lớn nhất thế giới phân tích thêm, thực chất, tình trạng cá độ diễn ra ở mọi nơi, mọi quốc gia. Thêm vào đó, mọi quốc gia đều tồn tại những sòng bài trái phép, nơi chính phủ không thể thu thuế và thường phát sinh các tệ nạn xã hội. "Trong khi đó, những khu nghỉ dưỡng phức hợp mà chúng tôi xây dựng sẽ tạo ra công việc, tạo ra cơ hội cho người dân địa phương, thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch, tạo ra những trung tâm hội thảo và hội nghị lớn", ông nói.

Tại Singapore, Chính phủ đưa ra những quy định rất ngặt nghèo về đánh bạc. Mỗi người dân phải trả 100 đôla Singapore để mua vé vào sòng bài trong một ngày để ngăn chặn người nghèo vào đây. "Las Vegas Sands không muốn kiếm tiền từ những người dân nghèo. Chúng tôi muốn giúp cải thiện cuộc sống cho họ, tuyển mộ họ trở thành các nhân viên của Sands, thay vì trở thành những người chơi bài", ông vua casino khẳng định.

Ở tuổi gần 80, Sheldon Adelson vẫn lao vào những dự án khổng lồ mới, với tham vọng mở ra một đế chế mới tại châu Áchứ chưa hề có ý định "gác kiếm" như nhiều người siêu giàu khác. Ông chia sẻ: "Tôi yêu thích và đam mê công việc. Nó mang lại cho tôi cảm giác trải nghiệm cuộc sống. Mỗi lần tôi hoàn tất một dự án nào đó, tôi lại muốn lao ngay vào một dự án khác lớn hơn, một cái gì đó chưa từng được thực hiện trước đây. Một doanh nhân giỏi luôn ước ao vươn lên và hoàn tất các giấc mơ của mình. Đó là lý do tôi vẫn tiếp tục làm việc".

Nhận xét